Mô hình chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao
05/10/2023 1:36:19 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Trong bối cảnh hội nhập, khoa học công nghệ thâm nhập và chi phối hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội và điều này cũng đặt ra một thách thức đối với sản xuất nông nghiệp là buộc phải chuyển mình để có thể thích ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có một số đơn vị sản xuất mạnh dạn nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các quy trình sản xuất hiện đại, điển hình trong số đó là Công ty cổ phần giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159.

Chan nuoi bo htit cnc78

Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu đệm lót sinh học

(*) Chăn nuôi trang trại với quy mô công nghiệp khép kín

Công ty cổ phần T&T 159 tại xã Yên Mông, TP.Hòa Bình là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào ngành chăn nuôi đại gia súc và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Công ty đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi đại gia súc theo quy mô công nghiệp khép kín bao gồm: Khu liên hợp sản xuất thức ăn gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp, trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt, nhà máy sản xuất đệm lót sinh học từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp, nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải chăn nuôi.

Trang trại nuôi bò có tổng diện tích 30ha với quy mô 1200 con bò giống, 3800 con bê, bò, trâu nuôi vỗ béo. Hiện tại đang nuôi 1.200 con trâu, bò sinh sản, 2.000 con trâu, bò, bê lấy thịt. Nhờ tích hợp nhiều công nghệ hiện đại trong chăn nuôi hiệu quả gần gấp đôi so với phương thức truyền thống. Giá thành sản xuất 1kg bò hơi khoảng 35.000 đồng.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Công ty T&T 159 Hòa Bình cho biết: “Đây là mô hình trang trại khép kín theo mô hình liên hợp, bắt đầu từ khâu sản xuất thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp cho đến khâu chăn nuôi, sản xuất đệm sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ. Một con bò 1 ngày ăn hết khoảng 30kg thô xanh và uống 40 lít nước, thải ra khoảng 20kg và 30 lít nước tiểu. Đây là nguồn hữu cơ rất quan trọng. Phải tận thu toàn bộ từ những phế phụ phẩm, biến nó thành các giá trị theo một chu trình khép kín mới tạo ra sản phẩm mang hiệu quả cao.”

(*) Hình thành chuỗi liên kết

Không chỉ với mục tiêu lợi nhuận, điểm đặc biệt có ý nghĩa của mô hình chăn nuôi đại gia súc này chính là lợi ích cộng đồng. Bởi đây là mô hình mang tính liên kết chuỗi, có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và chính quyền, có sự giúp đỡ của các nhà khoa học. Ngoài trang trại vùng lõi công ty còn liên kết với hơn 10.000 hộ chăn nuôi để xây dựng chuỗi giá trị thịt bò chất lượng. Theo đó, công ty T&T 159 Hòa Bình sẽ cung cấp vật tư, thú y, hỗ trợ kỹ thuật. Khi bò đến tuổi xuất bán công ty sẽ thu mua toàn bộ. Bên cạnh đó, công ty còn thu mua bò giống từ các địa phương và nuôi vỗ béo.

Công ty luôn mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hộ dân, nhiều nông trại được tiếp cận với công nghệ sinh học trong quá trình chăn nuôi, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghiệp thu gom, chế biến và vấn đề sản xuất, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp vừa tạo ra giá trị dinh dưỡng tốt cho đàn gia súc, vừa thu gom lại toàn bộ phế liệu để tạo ra các giá trị phân bón cho cây trồng.

Ngoài ra, công ty còn tổ chức chăn nuôi liên kết với các hộ dân ở một số tỉnh như Nghệ An, Phú Thọ,… tất cả các hộ chăn nuôi liên kết đều được ứng dụng KHCN.

Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất đệm lót sinh học

Ngoài việc tạo sinh kế cho các hộ chăn nuôi, mô hình này còn giúp giải quyết vấn đề về môi trường, không còn cảnh đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Thân cành lá lúa sau khi tuốt hạt được công ty thu gom bằng hệ thống máy thu gom hiện đại công nghệ Châu Âu. Phía công ty và bà con cùng có lợi đôi đường.

Ngoài rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá ngô, cỏ, sau khi thu gom được đưa về khu liên hợp sản xuất thức ăn qua quy trình công nghệ phối trộn để làm thức ăn cho trâu bò.

Chan nuoi bo thit cnc c 595

Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải chăn nuôi công suất 25.000 tấn/năm

Nhờ áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, trang trại bò của công ty vô cùng sạch sẽ, không có mùi hôi thối ảnh hưởng tới khu vực dân cư. Đặc biệt, dù có hàng nghìn còn bò được nuôi trong trang trại nhưng lại không hề xuất hiện bóng dáng của một con ruồi, muỗi gây bệnh cho người.

Có thể thấy, trên nền tảng sẵn có, công ty đã xây dựng mô hình chăn nuôi mang tính đồng bộ, khép kín bằng công nghệ hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cơ sở chăn nuôi truyền thống đó là tận thu toàn bộ các phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn và làm đệm lót sinh học, ứng dụng các công nghệ sinh học vào quá trình chăn nuôi. Thành công của mô hình này không chỉ góp phần tối ưu hóa lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm, tạo sinh kế cho các hộ chăn nuôi mà về lâu dài sẽ trở thành một hướng đi chủ đạo nhằm thay đổi cục diện chiến lược ngành chăn nuôi của tỉnh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm.

Tiến Trình