Bò vàng A Lưới là giống bò bản địa ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Giống bò này có thớ thịt nhỏ, mịn, chăn nuôi tự nhiên nên được thị trường ưa chuộng. Phương thức chăn nuôi của người dân cùng với địa hình A Lưới ở độ cao 680-1.150m, giữa hai dãy Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây trong thời tiết đặc thù, tạo nên hương vị riêng có của thịt bò A Lưới.
Sản phẩm “Thịt Bò vàng A Lưới” vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận bảo hộ Quốc gia là cơ hội mới cho người dân có nguồn thu nhập ổn định, tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ tiêu dùng và khách du lịch.
Ông Lê Văn Chương, một hộ chăn nuôi ở thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước đây gia đình ông trồng rừng, chăn nuôi bò với số lượng nhỏ nên đời sống kinh tế khó khăn chật vật. 10 năm lại đây, ông tập trung vào phát triển đàn bò vàng, số lượng đàn bò của gia đình đã tăng lên cả trăm con.
“Trước đây đàn bò ít vì gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng bây giờ trong trại đã có đàn bò 100 con. Mỗi năm thu nhập nếu tính cả bò và cả cây keo cùng các khoản thu nhập khác được trên 100 triệu đồng, đây là con số mà trước đây gia đình không bao giờ nghĩ tới”, ông Chương bày tỏ.
Hiện tại huyện A Lưới có tổng đàn gia súc gần 20.000 con, trong đó riêng đàn bò 13.000 con. Các cửa hàng đặc sản A Lưới được hình thành thời gian qua cũng góp phần quảng bá cho nông sản nơi đây. Thịt bò là một trong những đặc sản của địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng với đa dạng sản phẩm như bò khô, bò 1 nắng… Từ lợi thế đó, huyện A Lưới đã triển khai Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng vật nuôi, phấn đấu mỗi năm phát triển 300 con.
Theo ông Hồ Tuấn Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, để phát triển chăn nuôi bền vững, huyện đã từng bước chuyển từ phương thức chăn nuôi dàn trải, nhỏ lẻ sang chăn nuôi số lượng lớn có ứng dụng khoa học kỹ thuật.
“Trong thời gian vừa qua, một số hộ gia đình đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đạt hiệu quả, giúp phát triển tốt đàn bò vàng của xã. Số lượng đàn bò của xã ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Sắp tới xã sẽ tuyên truyền cho hội viên, nông dân tham gia vào thương hiệu Bò vàng A Lưới”, ông Duy cho hay.
Sau hơn 2 năm xây dựng thương hiệu, mới đây sản phẩm “Thịt Bò vàng A Lưới” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận bảo hộ Quốc gia là cơ hội tốt cho huyện giới thiệu, quảng bá thịt bò vàng A Lưới ra thị trường, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới tự hào cho biết, thời gian qua nhiều mô hình chăn nuôi ở huyện phát triển có quy mô khá lớn. Riêng sản phẩm “Thịt Bò vàng A Lưới” được cấp Chứng nhận bảo hộ Quốc gia là niềm tự hào cũng như tạo ra dư địa rất lớn để người dân có cơ hội phát triển kinh tế.
“Thời gian tới, huyện tsẽ ăng cường tuyên truyền cho bà con nhân dân về công tác chăn nuôi, trong đó quán triệt sâu rộng đến bà con việc phải đảm bảo xuất xứ nguồn gốc thịt bò để giữ được phẩm chất cũng như thương hiệu. Khi giữ được uy tín, sản phẩm từ thịt bò sẽ càng được nhiều du khách biết đến, từ đó nâng cao được giá trị của thịt bò vàng A Lưới”, ông Hải quả quyết.
Hiện đàn bò của tỉnh Thừa Thiên Huế có 30.000 con, tập trung tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền… Cùng với bảo tồn và phát triển các giống bò đặc hữu của địa phương, ngành chăn nuôi Thừa Thiên Huế tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm bò chất lượng tốt. Điều này không chỉ góp phần giải quyết tốt và xử lý giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã sắn… sẵn có mà còn có thể ứng dụng công nghệ chế biến thức ăn, góp phần nâng cao chất lượng thịt cho đàn bò.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để bảo vệ thương hiệu bò vàng, sắp tới tỉnh có hướng để tăng vùng nguyên liệu bằng cách tăng khả năng sinh sản cũng như tăng số lượng đàn bò.
“Tỉnh sẽ tổ chức cho người nông dân sản xuất theo bài bản từ con giống, thức ăn cho đến các vùng nuôi phải đạt chuẩn theo hệ thống chăn nuôi bò Vàng. Khi đã thịt bò Vàng đã được quan tâm và đặt hàng tiêu thụ từ các siêu thị và DN, các đầu mối mua bán sản phẩm chất lượng cao sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường”, ông Hưng tin tưởng./